Bước trên con đường trải sỏi đi vào khu nghĩa trang, tôi nghe người bạn kể chuyện về người chị của mình. Câu chuyện về người đã dành cả cuộc đời mình để chăm lo cho các em. Trong không gian yên tĩnh một buổi chiều tàn cuối thu, lá vàng rơi như trút bỏ nỗi buồn lặng thầm ở lại trên cây. Chúng tôi tiến gần đến ngôi mộ còn chưa lên màu cỏ xanh nằm cạnh hai ngôi mộ khác với bát hương khá đầy. Trong ảnh của ngôi mộ mới xây là người con gái với nụ cười buồn và đôi mắt còn đang như nhìn vào nơi xa xăm…

Theo những lời kể của người bạn, tôi hình dung ra câu chuyện dài mà hồi kết thật buồn. Cậu bạn tôi với chị và các em sinh ra trong một gia đình nghèo đông con. Chị là chị cả và mình chị lo từng ấy công việc nhà cửa, chăm sóc các em mỗi ngày từ hồi bé xíu khi bố mẹ đi làm từ sáng tới tối mịt mới về nhà. Nhà đói quá nên chị thường nhường lại phần cơm nhỏ của mình cho bốn đứa em còn lại. Mỗi ngày, chị vừa quét sân, nấu cơm vừa địu đứa út trên lưng và chơi với mấy đứa nhỏ. Chị hầu như chẳng bao giờ đi chơi bên nhà hàng xóm nhưng đi tới đâu chị cũng được bà con trong làng yêu mến. Cuộc đời chị vất vả từ bé và nỗi mệt mỏi ấy theo chị đến tận ngày chị nhắm mắt…

Nhà tôi trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong
Hàng cau dưới nắng trong lá trầu không
Chị tôi trông dễ thương bán rau chợ cầu Đông í a
Chị tôi chưa lấy chồng.
Thời con gái lưng ong có bao người thầm mong theo
Mẹ dục con gái yêu lấy chồng đi
Chị thương hai đứa em thương mẹ già con đau í a
Chị tôi chưa lấy chồng.

Như bao gia đình đông con khác, chị lớn lên trong gánh lo toan cơm áo gạo tiền. Ngày đó, để đỡ đần bố mẹ, ngoài việc đồng áng chị cũng đi chợ, buôn bán lẻ, gặt hái thuê mỗi cuối vụ mùa. Chị làm hết thảy bao việc, ngay cả khi những việc đó là quá sức với người con gái nhỏ bé như chị. Tuy không đi học nhưng bù lại chị hiền thảo và rất mực yêu thương bố mẹ, với các em chị luôn là tấm gương cho lòng hiếu thuận. Bạn tôi kể có lần chị thấy cậu ngồi dạy học cho mấy đứa em sao đó, chị cười mà bảo trông cậu như một thầy giáo làng. Ước mơ từ những lời yêu thương của chị mà giờ đây khi đã trở thành một giáo viên, cậu bạn tôi vẫn còn như nhỏ bé lắm trước ngôi mộ của chị.

Câu chuyện dần trở nên buồn hơn khi cậu bạn tôi kể lại vào một ngày mùa đông rét buốt, khi mặt đất đanh lại và cây cỏ héo khô rạp mình trong từng cơn gió thốc, bố cậu ra đi vì lao lực. Trong mái nhà xiêu vẹo ấy nấc lên từng hồi tiếng uất ức của người mẹ trẻ và bầy con mà đứa bé nhất mới lên mười. Chị gồng mình làm nơi cho mẹ dựa dẫm, rồi tiếp tục bước chậm rãi đến ngày mai mà nỗi buồn trong lòng không thể nguôi ngoai. Trong kí ức thời thơ ấu của cậu bạn tôi và ba đứa em nhỏ không biết ngày mai sẽ tiếp tục ra sao nếu không có chị bên cạnh những lúc buồn vui.

Cho đến ngày mẹ cậu bạn tôi cũng vì đau buồn và kiệt sức theo chân người bố đi về miền cực lạc, chị lại gồng mình làm điểm tựa cho các em. Nỗi buồn đau mất dần những người thân khiến chị như không thể gắng gượng thêm được nữa nhưng vẫn tiếp tục hành trình mà bố mẹ để lại với nhiệm vụ chăm sóc các em. Chị nhận nhiều sự giúp đỡ của bà con hàng xóm nhưng chưa khi nào chị dám nhận lời yêu thương của bất cứ ai. Cậu bạn tôi kể, mỗi sáng đến trường lại thấy thương chị ở nhà như một người phụ nữ chưa chồng mà vất vả với các em chẳng khác gì với những đứa con của mình. Như vậy, ai mà dám ngỏ lời yêu mà dẫu có đi chăng nữa, chị cũng không muốn ai khổ như chị, lụy vì chị với đàn em. Bây giờ tôi mới hiểu, cậu bạn tôi vẫn thường nói chị đã hi sinh cả tuổi xuân để dành tất cả tình yêu cho các em của mình..

Khi tiếng cuốc đã vọng khắp rừng chiều, mùi hương trầm quyện vào trong cỏ cây, tôi trở ra ngoài đường mà lòng còn nặng nỗi thương cảm với chị. Chúng tôi đi vào làng và thăm lại ngôi nhà xưa mà giờ đây chỉ còn là cái nền đất trơ trọi. Khi trút hơi thở cuối cùng, chị đã căn dặn các em phải giữ lại cho được mảnh đất này và dù đi đâu về đâu cũng nhớ những ngày giỗ của bố mẹ mà về hương khói. Mới gần hai năm từ ngày chị ra đi, cuộc sống ở nơi quê nhà không mấy đổi khác, cậu bạn tôi mới ra trường và xin ở lại dạy học trên thành phố. Mấy đứa em còn lại được gửi đến nhà họ hàng ở làng bên nên ngôi nhà rách nát khi xưa cũng bỏ. Chỉ còn lại một ban thờ nhỏ đứng giữa trời đất. Cậu bạn tôi thắp hương và bỗng bật khóc. Một mái nhà hương khói cho bố mẹ và người chị, cậu cũng không giữ được.

Như những người phụ nữ trên đất nước Việt Nam bao đời vẫn giữ trọn đạo tòng phu tòng tử, chị cũng đã gắng gượng đến phút cuối cùng khi cơ thể bệnh tật ăn mòn sức khỏe và tuổi xuân theo tháng ngày vất vả. Căn bệnh ung thư ác nghiệt đã không cho phép chị nhìn thấy ngày tươi sáng của các em. Nhưng có lẽ ở thế giới bên kia chị đang được đoàn tụ với bố mẹ của mình.

Trong những câu chuyện mà người ta hay kể về chị, chẳng ai nói đến người phụ nữ chưa lấy chồng. Mà chỉ âm thầm trong tiếc nuối, mọi người thương cảm và nghĩ cho chị một hạnh phúc chưa trọn vẹn dẫu rằng cuộc đời quá đỗi bất công.

Chiều đã toan về trong bóng tối, làn khói mỏng manh từ phía bàn thờ lặng cuốn theo hơi thở dài của cậu bạn tôi. Ngồi đó, cậu ấy nghĩ ngợi điều gì, mắt dõi theo bóng tà dương đang khép lại nơi cuối trời. Tôi hiểu những âm thầm lúc này, như một lời thơ Nguyễn Bính đã từng tâm sự trong bài “Xuân tha hương”: Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống, Nhớ chị làm sao nhớ lạ lùng…