Trên thị trường có khá nhiều sản phẩm dưới dạng viên thuốc uống, mỡ tra, kem bôi… Hiện nay có rất nhiều người tự mua vitamin E dùng trong thời gian dài với hi vọng không chỉ phòng chống bệnh tật mà còn để làm đẹp, để có được làn da trẻ trung lâu già… Tuy nhiên, hãy thận trọng.

Nhu cầu vitamin E đối với cơ thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, số lượng chất béo mà cơ thể tiêu thụ và có thể dao động mười lần. Nhu cầu vitamin E tăng lên ở trẻ sinh non, nhẹ cân, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú, khi tập thể thao, stress, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm (thuốc lá, rượu, thuốc trừ sâu, ánh nắng mặt trời…), các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch (béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu…).

Do cơ thể không thể tự tổng hợp được nên lượng vitamin E này hoàn toàn phải được cung cấp từ thức ăn. Nhu cầu khuyến nghị đối với người VN: ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi là 3mg/ ngày, trẻ 1-9 tuổi 5-7mg/ngày, trẻ vị thành niên 10-13mg/ngày, người trưởng thành 12mg/ngày, phụ nữ cho con bú 18 mg/ngày…

Nguồn thực phẩm giàu vitamin E của chúng ta khá phong phú, như dầu thực vật, các loại hạt nhiều dầu (hạt hướng dương, hạt dẻ, hạt điều…), các loại đậu, bắp, khoai lang, trái bơ, cà chua, rau lá màu xanh, giá sống, măng tây, hành tây, thịt bò, gan bò, thịt gà, cá, hải sản, trứng, sữa dê… Ngoài ra vitamin E cũng có trong sữa mẹ – đặc biệt là sữa non. Cho nên với chế độ ăn đầy đủ, đa dạng và cân đối hợp lý các nguồn thực phẩm thì đã có đủ vitamin E cho cơ thể.

Những hiệu quả cũng như nguy cơ gây tác hại của việc bổ sung vitamin E cho đến nay thật sự chưa rõ ràng. Việc bổ sung vitamin E chỉ cần cho những người thiếu vitamin E thật sự. Nhưng việc bổ sung vitamin E cũng phải hết sức cẩn trọng vì những tác dụng phụ (mệt mỏi, mất ngủ, đau bụng…), tốt nhất là phải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hiện tượng dư thừa vitamin E khi dùng vitamin 0E liều cao (trên 400 đơn vị quốc tế mỗi ngày) trong thời gian dài có thể dẫn tới một số biểu hiện rối loạn như viêm da, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nhức đầu, mệt mỏi, chảy máu và những triệu chứng khác. Có trường hợp uống vitamin E liều cao trong 2-3 tuần lễ có tác dụng phụ như táo bón, đau bụng…

BS NGUYỄN HỒNG VŨ (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

theo tuoitre.vn